Trái ngược với tình hình 6 tháng đầu năm nay, bước sang nửa sau của năm 2018 thị trường xe nhập khẩu tại Việt Nam đang dần sôi động và nhộn nhịp hơn rất nhiều. Người tiêu dùng Việt Nam lại có quyền “ôm mộng” mua xe nhập giá rẻ, tuy nhiên đây lại là nỗi lo với xe lắp ráp trong nước.
Tháng 8 vừa qua, xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ khu vực ASEAN được hưởng thuế 0% (chủ yếu là Thái Lan và Indonesia) đã ồ ạt về Việt Nam với hơn 11.000 xe cập cảng, điều này vẫn đang tiếp diễn trong tháng này.
Những mẫu xe nổi bật được đưa về nước gồm có Mitsubishi Xpander, Mazda BT 50, Ford Everest, Ford Ranger, Toyota Yaris, Toyota Wigo, Toyota Rush, Toyota Avanza, Honda HR-V…, trong đó có mẫu đã được ra mắt và cũng có những mẫu đang chờ để được công bố.
Vượt qua trở ngại nghị định 116 của Chính phủ, xe nhập khẩu cũng bắt đầu khởi động được doanh số, nhờ đó mà tháng 8 đã có tới hơn 5.600 xe nhập được tiêu thụ tăng hơn 66% so với tháng trước, dù đó là “tháng cô hồn”.
Ô tô nhập khẩu trong hơn 6 tháng đầu năm nay luôn ở tình trạng khan hàng trầm trọng, tuy nhiên điều này đã có sự thay đổi từ giữa tháng 7, kể từ đó cho tới nay, mỗi tuần đều có khoảng 1.500 – 2.000 xe liên tục cập cảng và làm thủ tục thông quan.
Ô tô con nhập khẩu thuế 0% từ Thái Lan, Indonesia dồn dập đổ về Việt Nam |
Có thể thấy, xe nhập khẩu đang thực sự tràn vào Việt Nam, người dân hoàn toàn có quyền hiện thực hóa “giấc mơ xe nhập giá rẻ”. Bên cạnh đó, sự xuất hiện ồ ạt của xe nhập hưởng thuế 0% đang đe dọa đến vị thế của xe nội địa, bởi vì người Việt có tâm lý ưa dùng hàng ngoại hơn là hàng lắp ráp trong nước.
Theo báo cáo từ VAMA, tiêu thụ xe lắp ráp trong nước tháng 8/2018 đạt 14.875 xe, giảm 18% so với tháng trước và giảm khoảng 4% so với cùng kỳ 2017. Để không phải cạnh tranh vô ích với các mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc, nhiều thương hiệu đã âm thầm ngừng lắp ráp ô tô cách đây vài tháng, một trong số đó là GM Việt Nam. Hiện GM chỉ bán nốt các mẫu Spark, Aveo, Cruze, Captiva,…với số lượng tồn kho còn lại.
Ngoài ra, cũng có nhiều doanh nghiệp chọn cách đối đầu với các mẫu xe nhập bằng cách giảm thêm giá bán, bổ sung nhiều quà tặng đi kèm. Tuy nhiên, điều này có lẽ sẽ không khả thi vì những chiếc xe lắp ráp tiêu tốn khá nhiều chi phí.
Có tới 90% linh kiện cung cấp cho các doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước phải nhập khẩu. Khi nhập khẩu linh kiện, các doanh nghiệp phải chịu thêm chi phí đóng gói và thuế nhập khẩu. Về nhà máy lại phải dỡ ra, rồi lắp ráp thành xe, trong khi quy mô và sản lượng thấp, khiến cho các chi phí sản xuất xe trong nước cao hơn xe nhập nguyên chiếc từ Thái Lan và Indonesia.
Nhược Hi (Tuoitrethudo